Thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đang trên đà phục hồi và phát triển sôi động với nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ khách hàng. Tuy nhiên, khung pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh loại hình BĐS này hiện vẫn còn nhiều vướng mắc khiến nhà đầu tư lao đao.
Làm thế nào để tháo gỡ rào cản?

Theo thống kê, sản phẩm bất động sản du lịch được phát triển nhiều nhất trong thời gian qua thuộc loại hình condotel (căn hộ khách sạn), shophouse (nhà phố thương mại) và villa (biệt thự). Tính đến hết quý III/2021, tổng giá trị của 3 sản phẩm này tại 15 địa phương rơi vào khoảng 30 tỉ USD.
Đây cũng là lĩnh vực thu hút đầu tư hiệu quả, tác động lớn đến kinh tế – xã hội, đồng thời thu hút các loại hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, do thiếu nhất quán trong việc thực thi chính sách, cấp giấy chứng nhận cho nhà đầu tư thứ cấp mua các sản phẩm BĐS du lịch đã dẫn đến tình trạng “nghẽn”, ảnh hưởng uy tín, môi trường đầu tư ở nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Quốc, Phan Thiết…
Không chỉ vậy, các doanh nghiệp phát triển dự án BĐS đang rất hạn chế nguồn lực về vốn. Trong khi đó, ngân hàng thường giới hạn hỗ trợ vốn nên doanh nghiệp phải kêu gọi từ nhà đầu tư thứ cấp. Khi nhà đầu tư thứ cấp tham gia thì thị trường lại chưa quy định khung pháp lý rõ ràng.
Thay vào đó, nhà đầu tư chỉ được khẳng định bằng hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc góp vốn mà không có giấy tờ pháp lý đủ mạnh để họ tự do chuyển nhượng tài sản đầu tư trên thị trường. Từ đó dẫn đến thanh khoản kém và rủi ro cao.
Tận dụng tối đa nguồn lực trong BĐS du lịch, nghỉ dưỡng

Chính việc tồn tại những “điểm nghẽn” trong khung pháp lý đã khiến không ít nhà đầu tư thứ cấp nản lòng, giảm sút lực đầu tư vào hoạt động phát triển BĐS du lịch, nghỉ dưỡng trong 3 năm qua.
Nhiều chuyên gia khẳng định việc hoàn thiện khung pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang là trọng tâm ưu tiên nhằm thúc đẩy thị trường phát triển tự do, minh bạch. Đồng thời khai thác tối đa lợi thế của ngành sau khoảng thời gian dài “nằm yên” vì dịch.
Theo đó, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng vốn đã phát triển từ lâu nhưng đến hiện tại khung pháp lý vẫn chưa hoàn thiện và còn rất nhiều vướng mắc. Một số vướng mắc chính có thể kể đến như khái niệm BĐS du lịch, nghỉ dưỡng vẫn chưa được nêu cụ thể trong các văn bản pháp lý.
Thị trường này vẫn chịu sự điều chỉnh chung của nhiều văn bản pháp lý khác nhau, chủ yếu là liên quan đến BĐS nhà ở, từ đầu tư, kinh doanh cho đến quản lý, giám sát và sử dụng. Vì vậy, rất dễ dẫn đến việc thiếu quy định chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc thù từng sản phẩm BĐS du lịch như condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng, khác với nhà ở.
Bên cạnh đó, quy hoạch và các chính sách liên quan đến BĐS du lịch nghỉ dưỡng cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Một bộ phận không nhỏ vẫn xem BĐS du lịch, nghỉ dưỡng là xa xỉ nên chưa thực sự quan tâm xây dựng và phát triển bài bản. Ngoài ra, loại hình BĐS này cũng chưa nhận được các chính sách hỗ trợ phát triển cụ thể dù đây là lĩnh vực quan trọng giúp phát triển ngành du lịch và kinh doanh BĐS.
Đặc biệt, hiện vẫn chưa có quy hoạch phát triển tổng thể BĐS du lịch với tầm nhìn đủ dài để gắn kết với quy hoạch phát triển ngành du lịch, thị trường BĐS hay các vấn đề về môi trường, xã hội.
Để giải quyết các vướng mắc trên, cần phải chủ động hoàn thiện hệ thống pháp lý, đảm bảo khung pháp lý không còn “khoảng trống” thì BĐS du lịch mới tạo được niềm tin đối với người dân, nhà đầu tư. Tạo nên cơ sở vững chắc để các doanh nghiệp mạnh dạn tham gia.
Sau khi kịp thời hoàn thiện các căn cứ pháp lý, phù hợp với thực tiễn sẽ phần nào quản lý, khai thác và phát triển tốt nhất loại hình BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, giúp khơi thông nguồn vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Phòng Marketing Đất Vàng Group
ĐẤT VÀNG GROUP – KIẾN TẠO TƯƠNG LAI
FanPage: https://www.facebook.com/Datvangcorp
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCgugSEty_ZCT1bN–7v1MLw
Hotline: 1900 636 109